Các bạn hãy coi đây là một cuộc ngồi chơi nói chuyện thôi nhé! Hơi lan man một chút và cũng xin chuyện trò trao đổi với các ý kiến mang quan điểm khác mà không mang tính tranh luận gay gắt bởi đây chỉ là quan niệm của cá nhân mà thôi.
Thực tế bản thân tôi, thời tiểu học tôi thích học Tiếng Việt, học Văn hơn học Toán rất nhiều. Năm cuối cấp tuy giành giải Nhất môn Toán thi học sinh giỏi cấp huyện nhưng tôi cũng chưa hề thích môn này như thích nuôi một con sáo biết bay theo mình tới lớp và cố gắng luyện cho nó biết nói. Tôi đã đổi toàn bộ sách giáo khoa và bài tập môn Toán để lấy một con sáo. Khi bố tôi phát hiện ra điều này, chỉ nói với tôi: "Lẽ ra con phải nói với bố để bố mua con sáo cho con!”. Từ năm lớp 3, khi bố dạy tôi làm thơ lục bát thì đây là đam mê lớn nhất của tôi. Các bạn nhỏ làm thơ hay hồi đó trở thành thần tượng của tôi nhưng tôi không thể theo kịp các bạn.
Lên cấp 2, tôi chỉ giữ được giải nhất môn Toán của huyện ở lớp 5, còn lên lớp 6 thì đam mê của tôi thực sự với 2 môn thể thao: bóng bàn và thể dục dụng cụ. Hễ có thời gian là tôi dành cho 2 môn này. Năm ấy tôi thi học sinh giỏi huyện không được giải gì. Cuối năm lớp 6 tôi được tham gia đội tuyển của tỉnh đi tập huấn ở trường Thể dục thể thao Từ Sơn và thi đấu miền Bắc. Trường Từ Sơn và trung tâm thể thao Thể công đều đã muốn tuyển tôi về nhưng vì mẹ tôi ngăn cản nên tôi không thực hiện được đam mê đó của mình. Khi được kiểm tra để tuyển vào trường THCS Trần Đăng Ninh, gần như tôi không biết gì về Toán. May mà nhờ thầy Đặng Hữu Thiều chiếu cô nhận vào và dạy bảo nên thầy đã khơi dậy lòng đam mê Toán cho tôi, năm ấy tôi giành được giải nhất môn Toán của tỉnh, nhưng đi thi miền Bắc cũng không được giải gì.
Vào chuyên Toán, Đại học Sư phạm Vinh, tôi có thích học Toán hơn, chủ yếu là trong lớp đua nhau học, đặc biệt là mấy bạn thi nhau giải bài trên tạp chí Toán học & Tuổi trẻ. Tôi không thể quên các thầy dạy Toán tôi thời này: Thầy Trần Văn Hạo, Thầy Nguyễn Văn Ân, Thầy Hà Huy Hân, Thầy Lê Huy Hùng, thầy Nguyễn Đình Nhân, Thầy Nguyễn Thái Hoè, Thầy Lê Quang Phan, Thầy Đỗ Mạnh Hùng,...Nhiều khi đói mà vẫn thi nhau làm toán. Các thầy đã khơi dậy lòng đam mê môn Toán cho tôi đến mức đôi khi tôi cũng ngộ nhận mình là có năng khiếu Toán. Điều này mãi tới khi ngoài 25 tuổi, tôi mới nhận ra mình không có năng khiếu. Đọc các sách Toán chuyên ngành, tôi thấy rất khó vào và tự cảm thấy kém hơn so với các bạn cùng học chương trình sau Đại học. Thì ra mình chỉ có "năng khiếu" học toán phổ thông mà thôi!
Cũng chính vì nhận ra điều này, tôi đã xin chuyển từ tổ Đại số sang tổ Phương pháp giảng dạy Toán và về Khối Chuyên Toán để dạy. Khi làm nghiên cứu sinh, tôi cũng làm ở chuyên ngành Phương pháp Giảng dạy Toán.
Từ đó đam mê của tôi chỉ là đam mê dạy Toán, làm Toán phổ thông, còn không thể đi vào con đường nghiên cứu Toán học. Cho tới khi về hưu, tôi vẫn nhận thấy lựa chọn của mình là đúng.
Ngoài ra trong cuộc sống tôi có nhiều đam mê đôi khi hơn cả Toán, chẳng hạn làm thơ, viết kịch, viết nhạc và vẫn cảm thấy cuộc sống thú vị, có ý nghĩa.
Điều đầu tiên muốn nói với các bạn: Đừng bắt con đam mê theo ý thích của mình! Bởi đam mê một điều gì đó là rất tự nhiên. Ép con mình tập trung vào học Toán để mong con đam mê, mong con học giỏi ngay từ nhỏ chắc chắn sẽ làm khổ con. Tốt nhất chỉ là gợi ý và tạo điều kiện.
Các con tôi không đam mê Toán và học cũng không xuất sắc. Tôi cũng không buồn và không ép gì.
Có những điều không đáng tự hào nhưng có phụ huynh coi như mục tiêu cho con khi bắt con luyện tính toán siêu tốc và tham dự các cuộc thi để có giải ngay khi mới vài tuổi.
Nhiều người cho rằng khi học phổ thông thì giỏi Toán mới đáng khoe, còn giỏi các môn khác chỉ là bình thường.
Nếu cha mẹ của Công Phượng hay Quang Hải ép con học Toán từ nhỏ thì chắc chúng ta sẽ không có những cầu thủ bóng đá xuất sắc hôm nay.
Lớp chuyên Toán của tôi hầu như quá ít bạn theo đuổi ngành nghiên cứu Toán học. Điều đó đâu phải là các thầy cô của chúng tôi không làm cho chúng tôi đam mê Toán? Được như bạn Trần Văn Khải ngay lứa học sinh mà bạn dạy đầu tiên đã có một Lê Bá Khánh Trình cũng là một hạnh phúc có kém gì việc nghĩ ra một định lý Toán học đâu? Tại sao lại phải thể hiện lòng đam mê Toán học để đi theo nghiên cứu Toán học đến hết đời? Không nghiên cứu Toán học những vẫn yêu Toán cũng có sao đâu?
Tôi biết rất nhiều bạn học chuyên Toán nhưng vào đời bước sang những lĩnh vực khác rất giỏi, đâu phải là thất bại của các lớp chuyên Toán?
Chuyên Toán không phải là nơi để đào tạo các nhà Toán học cho tương lai mà là nơi phát huy hiệu quả của môn Toán trong việc rèn luyện trí tuệ cho học sinh để học sinh trở thành công dân giỏi cho nước nhà ở một lĩnh vực nào đó.
Bởi vậy, xin ai đó đừng buồn khi ít hơn 10% học sinh chuyên Toán đã không chọn con đường nghiên cứu Toán học cho cuộc đời mình.
Khuyên các bạn đừng cố đam mê Toán học, các phụ huynh đừng ép con đam mê Toán học, bởi cuộc sống đâu phải chỉ có Toán học. Hãy tận dụng sức mạnh của môn Toán để rèn luyện trí tuệ khi học phổ thông là điều quan trọng nhất! Khi đó, các bạn có thể thuận lợi bước vào nhiều lĩnh vực khác để toả sáng.
Riêng các bạn đủ các tố chất để trở thành nhà nghiên cứu Toán học và thấy thích việc này thì mới nên đi theo con đường này để chúng ta có nhiều Ngô Bảo Châu hơn!
TS. Lê Thống Nhất